Mình không chắc đã đọc được ở đâu, nhưng “self-help” có vẻ như là một trong những ngành công nghiệp hái ra nhiều tiền nhất trong những năm trở lại đây.
Thời mà mình còn là học sinh cấp 3, đọc sách "self-help" như thể là một dấu hiêu của người trưởng thành. Mỗi lần mà có hội chợ sách ngoài Công viên Lê Văn Tám là cả đám lại kéo nhau đi mua sách mà đọc. Mà đứa nào cầm trên tay một quyển sách như vậy thì đều chắc chắn sẽ hứng những câu châm chọc như “ghê vậy ta” “đù, nay đọc sách trưởng thành nữa mậy”.
Bẵng một thời gian mình không đọc sách “self-help” nữa vì có quá nhiều những lời tiêu cực về nó, mình xoay sang đọc sách liên quan đến kỹ năng. Kỹ năng làm việc nhóm cũng có. Kỹ năng quản lý thời gian cũng có. Kỹ năng thành lập thói quen mới cũng có.
Nói chung là những kỹ năng mà người ta nói là không thể thiếu nếu muốn thành công.
Số lượng đầu sách mình đọc cũng không phải ít, nhưng có một khoảng thời gian, mình cứ đọc lại cứ mỏi mệt, mất định hướng, và một cách vô thức lặp lại những thói quen cũ mà chẳng áp dụng được gì mới từ nó.
Dù mình đọc nhiều, và cũng hiểu nhiều từ nó đấy chứ, nhưng khi quay lại với cuộc sống hàng ngày, mình vẫn cảm thấy bất lực và thiếu kiểm soát vì không thấy việc mình đọc áp dụng được gì cả.
Và rồi khi nghiên cứu sâu hơn về các kiến thức về tâm lý học, mình chợt nhân ra rằng, mình hiểu kiến thức, nhưng mình không hiểu mình.
Tự nhận thức (Self-awareness) là gì và vì sao nó quan trọng?
Tự nhận thức là khả năng quan sát và hiểu được trạng thái bên trong của chính mình: suy nghĩ, cảm xúc, động cơ, giá trị, và hành vi. Theo Duval & Wicklund (1972), tự nhận thức là khả năng trở thành đối tượng của chính sự chú ý của mình, từ đó so sánh hành vi hiện tại với các tiêu chuẩn nội tại và điều chỉnh để giảm sự không nhất quán.
Tự nhận thức với mình như kiểu là mình phân thân ra và bắt đầu quan sát hết tất thảy từng điểm trên cơ thể mình vậy. Để hiểu rõ hơn mình là ai, mình muốn gì, mình cần gì.
Từ đó, chúng ta sẽ có thể vượt qua 1 nghịch lý phổ biến trong phát triển bản thân: chúng ta biết, nhưng lại không làm – hoặc làm một cách nửa vời, thiếu nhất quán. Nguyên nhân có thể đến từ ba yếu tố sau:
Khoảng cách giữa nhận thức và hành vi:
Biết rằng cần ngủ sớm, ngủ trễ sẽ hại lắm, ngủ sớm sẽ khỏe hơn, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ làm vậy vì mải mê lướt điện thoại rồi. Lý do là lúc này ở vùng điều hành hành vi và tư duy ở thùy trán (prefrontal cortex) bị “đánh bại” bởi hệ thống thưởng phạt ở hệ limbic (limbic system) do việc lướt tiktok hay reel nhiều sẽ tạo một cảm giác “được thưởng” . Nếu bạn là người có tự nhận thức cao, bạn sẽ kiểm soát được hành vi và suy nghĩ của mình tốt hơn, và tránh đi những hành vi bị điều khiển bởi hệ thống thưởng phạt kia.Thiếu nhận diện động cơ nội tại:
Có những lúc mình hành động theo kỳ vọng của xã hội (ví dụ như phải trở thành người giỏi, phải hạnh phúc, người dậy sớm, người làm việc năng suất) mà không thật sự hiểu rõ rằng những kỳ vọng đó có thật sự quan trọng với mình hay không. Tự nhận thức cho phép mình phân biệt giữa mục tiêu đến từ bên ngoài với nhu cầu thật sự bên trong.Thiếu khả năng giám sát hành vi của bản thân:
Các bạn đừng nhầm lẫn rằng tự nhận thức bản thân là khi xong rồi mình mới ngẫm lại nha. Self-awareness còn là việc “ngay trong khoảnh khắc” đó mình có nhận ra mình đang làm gì, làm đúng hay chưa không để theo dõi và điều chỉnh bản thân . Đây là năng lực then chốt giúp biến nhận thức thành hành vi cụ thể, nhất quán.
Làm sao để rèn luyện khả năng tự nhận thức?
Dưới đây là 3 điều bạn có thể bắt đầu thực hành:
1. Nhận diện cảm xúc:
Dành 5-10 phút mỗi ngày để ghi chép lại trong nhật ký: “Hôm nay mình cảm thấy gì?”, “Sự kiện nào ảnh hưởng nhiều nhất tới cảm xúc của mình hơm nay?”, “Phản ứng của mình ra sao lúc đó?”.
Còn với mình, mình lại không ghi chép mà mình nói chuyện, trò chuyện với bản thân trước khi ngủ hoặc trong những lúc mình thoải mái hơn như khi tắm chẳng hạn.
2. Khám phá cảm xúc:
Khi nhận thấy một cảm xúc mạnh (giận dữ, tổn thương), hãy tạm dừng và hỏi: “Cảm xúc này xuất phát từ đâu?”, “Tại sao lúc này mình lại cảm giác như vậy?”.
Điều này đối với mình như thực hành chánh niệm (mindfulness) trong Phật giáo, để tránh bị đồng nhất với cảm xúc bất chợt.
3. Điều chỉnh hành vi:
Lập kế hoạch hành vi cho mình (chứ đợi tới lúc đó mới nghĩ là không kịp đâu): “Lần sau nếu tình huống đó xảy ra, mình nên phản ứng ra sao?”.
Từ những việc đó, dần dà các bạn sẽ nhận ra được những cảm xúc, suy nghĩ của mình rõ ràng hơn, mình định vị được bản thân mình là ai, có cảm xúc gì, có ý muốn gì, có mục tiêu gì, thì từ đó bản thân bạn với thế giới này mới dung hòa với nhau mà phát triển.
Kết lại
Phát triển bản thân không bắt đầu từ việc học thêm điều gì, mà từ việc hiểu rõ hơn bản thân mình là gì.
"Knowing yourself is the beginning of all wisdom." – Aristotle
Mình là Vũ, TESOL Trainer tại TSE, mình thích viết về giảng dạy ngôn ngữ và những điều khác dưới góc nhìn tâm lý học và thần kinh học. Rất vui nếu có thể connect với mọi người!
Cảm ơn bạn đã chia sẻ quá hay💖
Ồ quao