Mình có một niềm tin mãnh liệt rằng dù làm gì đi nữa, mức độ thành công của một việc sẽ bị ảnh hưởng bởi 60% là ở con người, và 40% là ở phương pháp.
Nói đâu xa, trong các lớp IELTS và TESOL mình dạy, không khó để thấy những học viên biết câu trả lời nhưng không giơ tay, hiểu bài nhưng không nói chỉ vì “Em biết, nhưng em sợ nói sai.”
Chính những rào cản vô hình này khiến cho các bạn khó có thể chạm tới được những mục tiêu mà các bạn đặt ra. Nhưng câu hỏi cần đặt ra lúc này là “Tại sao các bạn lại có suy nghĩ như vậy?”
Một trong những lý do đó có thể là bởi sự bất lực tập nhiễm (learned helplessness).
Khi não học cách… từ bỏ
Khái niệm “learned helplessness” được nhà tâm lý học người Mỹ Martin Seligman mô tả rằng khi con người (hoặc động vật) trải qua nhiều lần thất bại hoặc bị phán xét tiêu cực trong những tình huống mà họ không kiểm soát được, họ sẽ hình thành niềm tin: “Dù cố cũng không thay đổi được gì.” Và họ ngừng nỗ lực.
Trong lớp học, điều này sẽ xảy ra khi học trò :
Từng bị giáo viên chê trách (công khai) vì một lỗi nào đó.
Bị bạn bè cười khi nói sai.
Tự ti vì cảm thấy “không có khiếu ngôn ngữ”.
Từ đó các bạn cảm thấy:
Mọi lỗi sai là bằng chứng cho việc “mình dở ẹc”.
Phải nói đúng 100% trước khi dám phát biểu.
Những phản ứng tiêu cực khi thầy cô chuẩn bị nhận xét mình
Khi những trải nghiệm tiêu cực cứ lặp đi lặp lại, các bạn không chỉ “sợ sai”, mà tệ hơn là họ tin rằng mình không thể học được.
Và khi ấy, sự im lặng không còn là lựa chọn tạm thời, mà là kết quả của sự bất lực .
Dưới góc nhìn thần kinh học
Cảm giác bị đánh giá kích hoạt amygdala – trung tâm xử lý nguy hiểm của não – khiến cơ thể bước vào chế độ phòng vệ (fight-flight-freeze). Điều này làm giảm hoạt động ở vỏ não trước trán (prefrontal cortex) – nơi chịu trách nhiệm cho các phần liên quan đến xử lý tư duy ngôn ngữ, và đưa ra quyết định.
Vì vậy, dù học viên “biết đáp án”, não của họ không cho phép họ nói. Không phải do lười, mà do hệ thần kinh đang tìm cách sinh tồn.
Vậy giáo viên chúng ta có thể làm gì?
1. Tạo môi trường an toàn:
Chúng ta cần cho các bạn hiểu rằng việc mắc lỗi là một phần của tiến trình học, và nhấn mạnh rằng: “Không ai học mà không sai.” Bên cạnh đó, trong suốt quá trình giảng dạy, giáo viên cần phải “giữ lời”, nếu đã hứa với các bạn việc mắc lỗi là bình thường vì phải tránh tuyệt đối việc làm các bạn tổn thương một lần nữa. Niềm tin rất khó xây dựng nhưng lại rất dễ phá vỡ.
2. Tạo trải nghiệm thành công nhỏ:
Giáo viên nên giúp các bạn đặt ra các mục tiêu học tập cho từng tuần, từng tháng để các bạn dễ dàng “nếm” được cảm giác “mình làm được rồi!”. Vì các bạn hay có thói quen đặt mục tiêu rất xa. 3 tháng. 6 tháng. 1 năm. Cho nên khi chưa đi được đến đích, các bạn lại bị chính rào cản tâm lý làm cho mình chùn bước.
3. Sửa lỗi một cách tích cực:
Thay vì sửa lỗi một cách sỗ sàng như “Không, câu này sai rồi.”, hãy nhớ là mọi hành vi đều có lý do của nó. Các bạn học trò làm sai có thể là vì bạn chưa hiểu rõ, hoặc bản thân chúng ta dạy chưa kỹ, cho nên hãy cùng tìm hiểu với các bạn nguồn cơn của sự việc một cách tích cực. “Ồ, câu này em có thể nói cho thầy nghe sao em làm vậy không? - À, vậy để thầy hướng dẫn lại cho em nghen.”
4. Hãy trở thành Model of Vulnerability:
Giáo viên mình thường nghĩ là vì đã đi dạy thì mình nên thể hiện rằng mình “siêu đẳng”, giỏi, “toàn năng” cái gì cũng biết. Nhưng đôi khi, chính việc chia sẻ chính kinh nghiệm nói sai, học dở mà mình cũng từng trải qua sẽ khiến học trò cảm thấy gần gũi với mình hơn và hiểu được rằng một người giỏi như giáo viên của mình mà cũng từng trải qua biết bao thất bại trước khi đạt được thành công này.
Tạm kết lại:
Với mình, learned-helplessness không phải là một thứ mà mình có thể thay đổi một sớm một chiều. Nhưng với mình, câu chuyện mình có thay đổi được tâm lý và góc nhìn của học trò hay không là một câu chuyện nhân duyên. Có khi mình chưa đủ nội lực để giúp lấy các bạn ngay tại thời điểm đó, nhưng những nỗ lực của mình chắc chắn ít nhiều sẽ gieo được 1 hạt mầm mà sau này khi hội tụ đủ nhân duyên, nó sẽ tự khắc nở.
Còn các bạn thì sao, các bạn đã làm gì để giúp học trò mình vượt qua nỗi sợ này? Và bản thân các bạn cũng đã từng trải qua chưa?
Mình là Vũ, TESOL Trainer tại TSE, mình thích viết về giảng dạy ngôn ngữ và những điều khác dưới góc nhìn tâm lý học và thần kinh học. Rất vui nếu có thể connect với mọi người!