TL;DR
Câu chuyện đi dạy chưa bao giờ là một câu chuyện cổ tích.
Ai đã từng trải qua việc dạy học mới thấm thía được nỗi khổ của một người làm giáo dục. Không cần thiết là phải dạy tiếng Anh, hay Toán, hay Sử, hay Hóa, chỉ cần thử dạy học đi, dạy điều gì cũng được.
Dạy cho cháu mình viết chữ
Dạy cho cấp dưới mình cách sắp xếp thời gian làm việc
Dạy cho đứa bạn của mình cách chơi game
Lúc đó mới hiểu rằng để mà dạy học (một cách chân chính, đàng hoàng) đó là cả một sự cống hiến to lớn về sức lực, thời gian, trí tuệ và sự kiên nhẫn.
Dạy học đã khó.
Vậy còn dạy cho người khác đi dạy, có khó không? Thật sự thì điều gì làm một cách thật lòng mà lại chẳng khó?
Học thật lòng, cũng khó
Yêu thật lòng, cũng khó
Dạy thật lòng, cũng khó
Nhưng cũng nhờ việc nó là một công việc khó, nó đã giúp mình nhận ra 5 điều này sau khi Training cho gần 300 bạn trong 2 năm trở lại đây.
1/ Các bạn bây giờ giỏi quá, chỉ lo mình theo không kịp
Mình từng là một “big fish in a small pond”.
Một kẻ cho mình là giỏi, cho mình là con cá to nhất. Nhưng sau này khi bước chân ra đời, mình mới biết mình là một con cá to chỉ bởi vì mình đã sống trong một hồ nước quá nhỏ.
Mình giỏi không phải mình thật sự giỏi, mà chỉ đơn giản là những người xung quanh mình thời điểm ấy họ không có nhiều cơ hội để phát triển.
Cho đến thời điểm hiện nay, khi dạy các bạn học trò TESOL của mình, mình càng thấm thía hơn điều đó vì khi tầm tuổi các bạn, nếu đem ra so sánh, mình chẳng là gì cả.
22 23 tuổi nhưng các bạn 8.0 có, 8.5 có, kinh nghiệm giảng dạy 4 năm có, dạy tutor tháng hơn 30 triệu có, có offer đi du học Thạc Sĩ nước ngoài có … Nói chung lại là những điều mà mãi sau này mình mới thu hoạch được, thì các bạn đã gặt hái từ khi vừa ra trường.
Nói ra có thể làm nhiều bạn cảm thấy peer pressure, nhưng đó là điều tất yếu phải trải qua để biết mình là ai, mình ở đâu, mà cố gắng.
Chứ đừng như mình ngày trước, vì sự thiếu hiểu biết mà bỏ lỡ biết bao nhiêu thời gian quý giá để nuôi dưỡng bản thân mình.
2/ Có vẻ ông trời không cho ai tất cả, nhưng mình có thể tự giành lấy được!
Mình dạy TESOL thường sẽ gặp 4 đối tượng học viên.
Một là các bạn tiếng Anh siêu xịn, và dạy siêu cuốn.
Hai là các bạn tiếng Anh chưa tốt, nhưng lại dạy rất cứng tay, rất năng lượng, rất chỉn chu.
Ba là các bạn tiếng Anh rất tốt luôn, nhưng lúc dạy cái tay lại bị cứng, rất nhút nhát.
Bốn là các bạn tiếng Anh chưa tốt và dạy cũng còn nhiều sai sót. Các bạn cũng
Các bạn thuộc dạng số 1 thì mình không lo lắm.
Lo nhất vẫn là các bạn thuộc đối tượng Hai, Ba, Bốn, vì khi làm nghề này, cơ bản là tiếng Anh phải tốt và phải dạy hay thì học trò mới khoái được. Thiếu 1 trong 2 thì khó phát triển. Thiếu cả 2 lại càng vất vả.
Nhưng vấn đề là, nếu các bạn chịu khó, các bạn vẫn sẽ có được cả 2!
Vì dù là khoảng thời gian làm TESOL cũng chỉ có 2 năm, nhưng bấy nhiêu là cũng đủ để thấy những bạn mà ngày trước thuộc tuýp Hai, Ba, Bốn, nay đã bứt phá lên thành Một rồi đấy.
Và điểm chung của các bạn ấy đều nằm ở chỗ “dám thử và không bỏ cuộc”, vì chắc các bạn ấy hiểu rằng “Mình chỉ thất bại khi mình bỏ cuộc mà thôi”.
3/ Tiền thì ai chẳng cần, nhưng nếu chỉ biết tới tiền thì đang tự đào mồ chôn mình
“Nghề giáo viên tiếng Anh giờ giàu”
Mình nghe câu này nhiều lần rồi, ừ thì cũng đâu sai. Nhưng mà, nếu làm giàu dễ vậy, đâu tới lượt mình nhỉ?
Bởi vì trong nghề này, để mà giàu về tiền như vậy, trước hết phải giàu về tấm lòng và kiến thức. Dạy học được ví như công cuộc trồng cây. Nhưng nếu …
Nước tưới cây thì dơ
Phân bón thì không hợp
Chăm sóc lại không kỹ càng.
Thì khi nào cây mới lớn để mà cho trái mà hái?
Và mình đã gặp nhiều bạn chỉ vì chạy theo đồng tiền, thu nhập nhất thời, mà quên mất bản chất thật sự của việc làm giáo dục, để rồi stress, để rồi áp lực, để rồi khổ.
Vì vậy sau này, mình cũng khổ tâm theo với các bạn có cùng mindset như vậy, vì lo rằng không biết tương lai các bạn sẽ ra sao. Nhưng có lẽ mình cũng chưa có duyên đến thay đổi được góc nhìn của các bạn, nên đành ngẫm nghĩ: “you can lead a horse to water but you can't make it drink.”
4/ Ai cũng học TESOL, vậy ai giỏi hơn ai?
Không quá để mà nói hiện tại bây giờ, TESOL là một certificate mà ai cũng cần có để đi dạy tiếng Anh.
Vậy câu hỏi đặt ra là “Nếu ai cũng có và sẽ có, thì ai sẽ giỏi hơn?”. Câu chuyện ai giỏi hơn ai thật sự sẽ rất khó để so sánh, vì mình quan niệm rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Tùy vào background, xuất phát điểm, … mà mỗi người đều đang đứng tại 1 điểm khác nhau.
Nhưng ắt hẳn, trong quá trình công tác thì mình cũng đủ để nhận ra là “tại sao có những bạn kiếm việc làm lẹ, có lương cao, mau chóng thành đạt?”
Và dần mình nhận ra là các bạn đều có điểm chung, đấy là các bạn có hoạch định cho tương lai mình.
Các bạn biết học xong TESOL các bạn sẽ làm gì, dạy cho đối tượng nào, hay sau 1 - 2 năm các bạn sẽ có đi học lên nữa không.
Các bạn biết mình còn thiếu kỹ năng gì. Thiếu tiếng Anh thì đi học IELTS. Thiếu kỹ năng dạy luyện thi thì đi học dạy luyện thi. Thiếu khả năng mở lớp thì đi học cách mở lớp.
Các bạn biết mình đam mê gì để mà theo đuổi. Thích học thuật nên đi theo hướng học thuật. Thích trẻ con nên đi theo hướng dạy trẻ con. Giỏi làm kinh doanh nên chủ động mở lớp tại nhà.
Nói tóm lại, các bạn đi nhanh hơn không phải vì đôi chân các bạn ấy chạy giỏi, mà đơn giản là các bạn ấy biết mình phải đi về hướng nào.
5/ “Bầu trời sắp không còn tối nữa, ánh sáng đang dần chiến thắng”
Hôm trước vừa xem xong phim truyền hình True Detective, và cuối phim nhân vật chính có nói “Once there was only dark. If you ask me, the light’s winning”
Và nó làm mình nhớ đến cấu nói “Giáo dục không phải là đổ đầy một chiếc bình mà là thắp sáng một ngọn lửa”, và lửa thì cần phải được thắp sáng ở những nơi tối.
Và với tụi mình, nơi tối chính là những nơi mà việc giáo dục ngôn ngữ hiện đại tân tiến chưa vươn được đến.
May mắn thay, những ngọn lửa ấy đang dần được thắp sáng đúng chỗ vì mình đã train cho rất nhiều bạn giáo viên ở các vùng xa thành phố lớn, nơi mà các bạn nói “Ở đây không có trung tâm nào hết thầy, mà mấy bạn được học TPR theo kiểu của em làm là mấy bé vui lắm, đi học hoài luôn.”
Có nhiều bạn có khi chỉ lấy học phí một bé có 100k 1 tháng thôi, nhưng có đến hẳn 200 học trò nhỏ đến học hàng tháng.
Một phần mình vui vì bạn có thu nhập khủng (hơn cả mình)
Một phần mình biết là mình trao cho bạn những kiến thức hay để bạn có thể giúp đỡ các bé nhỏ ở đấy.
Để cùng chung tay làm cho mọi nơi trên mọi miền đất nước này cùng được sáng tỏ.
—
Thật ra 5 điều trên cũng chưa là gì so với những trải nghiệm mà mình kinh qua khi làm công việc này. Vui có. Buồn có. Nhưng điều mình có nhiều nhất là những bài học. Học từ học trò. Học từ đồng nghiệp. Và học từ chính những trải nghiệm trên. Nhờ đó mà mình càng ngày càng giàu. Giàu tiền bạc thì mình không chắc có không, nhưng giàu về tâm hồn và kiến thức là điều mình chắc chắn.
Bài này hay quá bạn ơi